Về đầu nguồn sông Cả

Hai nhánh thượng nguồn hợp thành sông Cả là Nậm Nơn và Nậm Mộ. Nậm Nơn bắt nguồn từ tỉnh Hủa Phăn và Nậm Mộ từ tỉnh Xiêng Khoảng (CHDCND Lào) chảy qua huyện Kỳ Sơn, vượt bao nhiêu ghềnh thác hiểm trở về hợp lưu tại ngã ba Cửa Rào. Từ đây, dòng lớn người Thái thường gọi Nậm Pao, người Kinh gọi là Rào Cả-sông Lam, điểm cuối là cửa Hội Thống ra Biển Đông.

Ký ức thượng nguồn

Ngược lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ lên thượng nguồn Nậm Nơn, gần 30 năm trở lại, vật đổi sao dời, nhìn nước mênh mông cố lục tìm trong ký ức dấu xưa những tên bản: Bản Kom, Pủng, Tạ Xiêng, Lạp, Nòng, Muộng, Hiển, Xiềng Lằm, Chà Coong, Nhãn Cán, Cành Sọt, Nhãn Mai… và những con thác tử thần Nhãn Xa, Nhãn Cha, Nhãn Cà Chan, Cáy Tọ, Tạc Pha, Cánh Tạng,… Những bản làng, những ghềnh thác núi sông đã chìm sâu ở khoảng nào giữa lòng hồ?

Trước đây, khi chưa xây dựng nhà máy thủy điện, từ trung tâm huyện Tương Dương lên các xã vùng dọc sông Nậm Nơn, người dân và giáo viên “cắm bản” chỉ có hai cách. Nếu chọn đường thủy, chỉ có những người có bản lĩnh, sức khỏe, kỹ năng chèo chống thuyền đuôi én (một loại phương tiện đường thủy do đồng bào tự đóng giống thuyền độc mộc có trọng tải khoảng 250-300 kg, hồi đó chưa thịnh hành thuyền gắn máy như bây giờ) để ngược lên. Hoặc xuôi về bằng những chiếc bè mảng bằng nứa vượt qua hàng chục thác ghềnh, xiết xoáy. Cách khác là lội bộ men theo con đường ngoằn ngoèo chênh vênh bên vực thẳm. Gian truân vất vả thế, nhưng người dân dọc sông đã gắn đời mình với chiếc thuyền đuôi én làm phương tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Lên đây nhớ lại ngày ấy các thầy, cô “cắm bản” dọc Nậm Nơn mỗi lần lên tận các xã xa nhất Hữu Khuông, Hữu Dương, Mai Sơn, Luân Mai đi khỏe mất từ bốn đến năm ngày, xa hơn mất cả tuần. Nhìn đôi bàn chân rộp phồng, tấy đỏ, toàn thân ê ẩm mà không muốn về xuôi nữa và ngược lại. Phải lấy hết can đảm nếu như không có tình yêu với lũ trẻ để trụ lại miền thâm u, heo hút ấy. Cũng không ít thầy, cô đã phải ngậm ngùi gạt lệ chia tay dù đó là “nghề cao quý”…

Thầy Nguyễn Văn Lương, quê xã Cát Văn, huyện Thanh Chương cả thời thanh xuân “cõng” chữ lên, gắn bó với con sông Nậm Nơn vẫn không bao giờ quên những năm tháng đó, chia sẻ: “Không nhớ hết đã bao nhiêu bận ngược xuôi, lên thác xuống ghềnh trên con sông Nậm Nơn. Các thầy giáo đã trở thành những “chiến binh” lái thuyền vượt thác hiểm. Nhớ mỏ tôm Xiềng Lằm, nhớ cá ghé (cá chiên), cá lăng, cá chình… đặc sản Nậm Nơn đã góp phần cung cấp dinh dưỡng cho bà con vùng bản, các thầy, cô trụ vững nơi vùng sâu heo hút. Nhớ ơn người dân bản Pủng Bón, Tùng Hốc, bản Xàn…, đội mưa, vượt lũ chèo chống thuyền, gùi đồ, lương thực lên giúp thầy cô… Nhớ các em học trò nhỏ thân yêu quấn quýt hằng ngày… Nhớ đất, nhớ người nơi ấy, nhớ cả làn điệu lăm, nhuôn, xuối… Thái thắm thiết một thời đã hát: “Kin khẩu nha lưm na/Kin pà nha lưm nặm/Kếp phắc nha lưm xìa hạy/…” (Tạm dịch: Ăn cơm nhớ đừng quên ruộng/Ăn cá nhớ đừng quên sông/ Nhặt rau nhớ đừng quên nương rẫy/).

Cià Lữ Truyền Quynh, người Thái, bản Pủng, xã Kim Đa trước đây nay chuyển về khu tái định cư ở huyện Thanh Chương đã thuộc làu bài thơ với tựa đề “Nhớ lắm Nậm Nơn ơi!” của ông Lữ Kim Duyên, nguyên Bí thư Huyện ủy Tương Dương vì đã thay già nói lên nỗi canh cánh và nỗi nhớ khôn nguôi về dòng sông, về bản quê nơi chôn nhau cắt rốn của mình: “Từ ngày ngăn sông, ông chưa một lần trở lại/Nay ông trở về thăm quê cũ/Dòng sông xưa đã thành hồ nước mênh mông/Ông ngồi mũi thuyền, mắt sáng long lanh/Khi nhìn bên phải, lúc nhìn bên trái/Rồi trông trước, ngó sau/Thuyền cứ đi nhưng tôi chẳng nhận ra/Đây là đâu, là xã nào, bản nào/Nhưng cứ đi một quãng/Mắt ông lại sáng lên/Đây là bản Lạp, kia bản Mà/Ôi nơi đây Xiềng Lằm…”.

Ngược lên đầu ngọn Nậm Nơn thuộc xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý Lô Văn Liệu nhiều đời nay gắn bó với Nậm Nơn chia sẻ: Bao đời nay bà con người Thái, Khơ Mú nơi đầu ngọn Nậm Nơn này không thể rời xa con sông thân thuộc. Hằng ngày người dân đánh bắt cá, lấy sản vật từ rừng, đi lại thăm thân… đều dựa vào dòng sông. Mùa khô, sông cạn có thể lội qua được, thuyền phải tắt máy khiêng qua, nhưng mùa lũ, dòng nước rất hung dữ có thể cuốn phăng tất cả. Đã nhiều thế hệ chống chọi với khó nhọc mà chả ai nỡ rời bỏ. Nước sinh hoạt cũng từ con sông này nên mọi ý thức tâm linh, sinh khí của cả cộng đồng do dòng sông định đoạt. Khi rời bản Xằng Trên dưới ráng chiều đỏ sẫm, vẫn nghe tiếng máy nổ giòn giã đẩy thuyền lao vun vút phá tan sự tĩnh mịch của núi rừng.

Nhánh thứ hai hợp lưu thành sông Cả là Nậm Mộ bắt nguồn từ tỉnh Xiêng Khoảng của nước bạn Lào. Già Vi Chức, năm nay đã gần 100 mùa rẫy ở bản Cánh, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn móm mém kể kinh nghiệm của cha ông truyền lại về Nậm Mộ: “Năm nào về mùa khô sông cạn kiệt thì đến mùa mưa chắc chắn có lũ to. Có những năm lũ cuốn trôi gần nửa bản”. Già Chức kể cho chúng tôi nghe chuyện về người có công khai phá đất Tà Cạ hàng trăm năm trước có tên là Đức Khánh. Ông là một vị tướng lưu lạc chọn nơi đây để trú chân và chẳng bao lâu, vùng núi rừng hoang vu tĩnh lặng này trở nên trù phú, nhiều người tìm đến cư trú. Bản làng ngày một đông vui với cảnh trên bến dưới thuyền giao thương, buôn bán tấp nập nổi tiếng một thời “Cành Tà Cạ mi bó gia giang”(Chợ buôn bán thuốc phiện).

Tưởng nhớ công lao của ông Đức Khánh, sau khi ông mất, người dân Tà Cạ lập đền thờ bên dòng Nậm Mộ. Cho đến một năm vào mùa khô, dòng Nậm Mộ trở nên cạn kiệt, thuyền bè rất khó lưu thông, việc giao thương buôn bán khó khăn. Mùa mưa, một trận lũ quét bất chợt tràn qua cuốn trôi hầu hết nhà cửa… Phải mất nhiều năm sau, người dân Tà Cạ mới khôi phục được bản làng.

Cá sông Giăng

Xuôi về hạ du, sông Giăng là phụ lưu cấp I của sông Lam dài 77 km bắt nguồn từ tỉnh Bô-li-khăm-xay (Trung Lào) xuyên qua Vườn quốc gia Pù Mát thuộc địa bàn xã Môn Sơn qua huyện Anh Sơn, đổ vào sông Lam tại huyện Thanh Chương. Sông Giăng với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ mà vẫn rất đỗi nên thơ đã có câu ca:“Anh đi khắp núi, khắp ngàn/Không đâu đẹp bằng Đá Bàn, sông Giăng”. Đó là câu ca về dòng sông nơi miền tây xứ Nghệ, chảy qua huyện miền núi Con Cuông mà ai cũng phải nhắc đến khi có dịp tới đây. Và “Cơm mường Quạ, cá sông Giăng”, nền văn minh lúa nước đến sớm với cánh đồng “mường Quạ” với những bản làng người Thái trù phú bên dòng sông Giăng thơ mộng thao thiết chảy bao đời. Chi bộ Đảng miền Tây Nam Nghệ An được khai sinh nơi đây vào ngày 14/4/1931, là nòng cốt lãnh đạo nhân dân miền tây cướp chính quyền.

Có phải vì khí hậu hay thổ nhưỡng mang tính đặc thù của vùng đất này mà sông Giăng mang trong mình nhiều đặc sản quý giá. Một trong những đặc sản đó là vàng sa khoáng và cá sông Giăng. Nói “cá sông Giăng, măng Chợ Chùa” thì người Nghệ ai cũng biết. Cũng như măng Chợ Chùa, cá sông Giăng không chỉ nhiều mà còn ngon nổi tiếng. Nhưng nói đến cá sông Giăng thì trước hết phải kể đến cá mát, ai đã từng được thưởng thức một lần thì khó có thể quên. Mế Lô Thị Tiến, bản Thái Sơn 1 giải nghĩa, cá mát tiếng Thái gọi là pa khinh. Người Thái thường chế biến cá thành những món ăn truyền thống như: Pa pính phé, Pa pính tộp, Pa pính giảo, Hò mọc pa. Ở vùng Mường Quạ có nhiều đàn ông chài lưới, lặn bắt cá rất giỏi. Trước kia, đi làm đồng về, đàn bà ở nhà bắc nồi lên bếp, đàn ông vác chài ra sông Giăng, một lúc trở về đã có cả một xâu cá nặng trĩu tay. Mế nói: Ngày trước chủ yếu là quăng chài, thả lưới, đơm đó chứ không kích điện, nổ mìn như bây giờ.

Lễ Tết đến hay cưới hỏi của người Ðan Lai phải có cá mát cúng tổ tiên: “Năm hết Tết đến/Chúng con chỉ có/Một trành cá mát/Một bát mật ong/Một chén rượu lạt/Dâng lên tổ tiên/ Phù hộ chúng con/Ăn nên làm ra/Con sông lắm cá…”.

Ngày nay, dù thượng nguồn sông bị chặn nhiều khúc bởi các nhà máy thủy điện, bị tàn phá bởi thiên nhiên và chính con người nhưng suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông các dòng sông vẫn chảy. Bên cạnh góp thêm điện năng cho quốc gia thì cũng để lại không ít hệ lụy. Dòng sông đã trở nên giận dữ vào mùa “xả lũ” làm ngập bản, trôi làng… Chúng ta cần dành kinh phí đầu tư để bảo vệ, làm cho môi trường dòng sông trở lại hình hài như trong tiềm thức.

Đến đây, lại nhớ dòng sông Giăng quê tôi thuở trước trong xanh buổi chiều bình yên, trong đầu lại vẳng lên những ca từ và giai điệu trữ tình da diết trong nhạc phẩm “Trở về dòng sông tuổi thơ” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình/Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ/Con sông tôi tắm mát/Con sông tôi đã hát/Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà/…”.

Tại điểm hợp lưu của dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ có ngôi Đền Vạn-Cửa Rào. Ngôi đền thiêng gắn liền với công đức của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài, danh tướng đời nhà Trần. Theo sử ghi, vào khoảng năm 1335, vùng bờ cõi miền tây Nghệ An bị giặc Ai Lao tràn sang quấy nhiễu, gây ra bao cảnh tang thương. Thượng hoàng Trần Minh Tông đích thân cầm quân đã cử Đoàn Nhữ Hài, lúc đó đang chỉ huy quân Thần Vũ và Thần Sách, kiêm chức Kinh lược Địa sứ Nghệ An làm Đốc tướng trực tiếp chỉ huy quân sĩ. Một trận chiến diễn ra tại khu vực ngã ba sông, sương mù dày đặc, vị Đốc tướng nhà Trần và nhiều quân sĩ đã ngã xuống, hy sinh tại ngã ba sông này.

admin

Share
Published by
admin

Recent Posts

Cá kho tiêu đậm đà với 3 cách làm đơn giản, thịt cá chắc ngọt, không hề tanh

Thời tiết se lạnh hay đổi món cuối tuần, bạn có thể tham khảo cách…

6 giờ ago

Cách luộc hạt dẻ siêu nhanh, siêu ngon, siêu dễ bóc

Hạt dẻ là một trong những thực phẩm chứa nhiều protein, vitamin, khoáng chất,... quan…

11 giờ ago

Những người không nên ăn đậu xanh, đậu đen, đậu tương

Đậu xanh, đậu đen, đậu tương đều là những thực phẩm họ nhà đậu tốt…

18 giờ ago

Nước dừa kỵ gì? Điểm danh những thực phẩm không nên dùng cùng nước dừa

Nước dừa ngon ngọt, mát lành, giải khát cực đã nên được rất nhiều người…

23 giờ ago

Review 7 nước súc miệng trị hôi miệng tốt nhất hiện nay

Nước súc miệng được xem là trợ thủ đắc lực cho quá trình vệ sinh…

1 ngày ago

Ăn Mì Tôm Sống Có Béo Không? 1 Gói Mì Bao Nhiêu Calo?

Mì tôm sống là món ăn tuổi thơ và rất được yêu thích bởi thanh…

1 ngày ago