Điều kiện tiên quyết để triển khai mô hình du lịch nông nghiệp là vùng nông thôn áp dụng mô hình này phải có ít nhất một thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng. Chi Lăng, Lạng Sơn đã có vốn liếng làm du lịch là một vùng phong cảnh bán sơn dã hùng vĩ, núi non trùng điệp, truyền thống lịch sử hào hùng, đường giao thông thuận tiện, tuy là vùng biên cương về phía Bắc Tổ quốc nhưng lại không quá cách xa trung tâm Thủ đô. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng trong năm độ giữa Thu, khoảng từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 10 hằng năm, vùng trồng na ở Chi Lăng mới vào mùa chín rộ. Đây là loại quả nằm trong số 50 trái cây đặc sản Việt Nam, có xuất xứ chỉ dẫn địa lý từ rất sớm và tính bản địa đặc sắc.

Quá trình trồng, thu hoạch na trên các vách núi đá có độ nghiêng lớn từng thu hút sự chú ý của giới truyền thông của nước ngoài. Các kênh truyền hình khám phá thế giới cũng đã từng làm phim tài liệu về vùng trồng na Chi Lăng. Theo đánh giá của họ, việc trồng cây na trên các vách đá vôi trong vùng khí hậu ẩm ướt, mang lại những quả ngọt có mùi vị đặc biệt thơm ngon là điều kỳ thú. Hơn thế nữa, cách thu hoạch na và vận chuyển cây giống, phân bón, sản phẩm thu hái được bằng hệ thống ròng rọc tự chế từ trên đỉnh núi xuống là một phương thức sản xuất lạ chỉ bắt gặp ở vùng dân cư sống bên các vách đá cheo leo. Chất liệu văn hóa đời sống đó xứng đáng trở thành một nguồn tài nguyên khai thác cho du lịch phát triển.

Chị Đàm Thị Sen, dân tộc Tày ở Đồng Bành, Chi Lăng là chủ một vườn na trên núi đá ở khu vực di tích lịch sử Ải Chi Lăng và núi Mặt Quỷ. Vườn na của chị bên sườn núi thuộc dãy núi Cai Kinh, sườn núi độ dốc lớn, cũng là vùng trồng na ngon nhất của tỉnh Lạng Sơn. Như vậy, người phụ nữ này mặc nhiên làm chủ 2 di sản văn hóa. Một là phong cảnh sơn dã xanh mướt mắt trong âm hưởng hào hùng của di tích lịch sử chiến thắng Chi Lăng, hai là bí quyết truyền thống trồng na đã bảo tồn nhiều đời ở vùng đất này. Chị Sen cho biết, vườn na của gia đình trên núi do khai phá đất dốc và được ông bà, cha mẹ để lại.

Chị Sen tiết lộ: “Sở dĩ na của Chi Lăng thơm ngon riêng biệt hơn na các vùng khác là do đất dốc trên núi đá có khoáng chất tự nhiên. Các vách đá trải qua mưa nắng bốn mùa khí hậu nhiệt đới ẩm luôn bổ sung cho đất các chất khoáng màu mỡ, trong khoáng có thể có kali, hoặc chất nào đó đặc biệt thích hợp cho cây ăn quả phát triển, khử độ chua, cho trái ngọt và thơm. Ngay cả trong vùng, na trồng trên núi đá cũng khác với na đất bồi ở đồng bằng. Người dân ở đây thường quan niệm dân dã là “na núi đá Chi Lăng ăn dầu mỡ chảy ra từ đá núi Cai Kinh – Ngõ Thề” là vậy”.

Vào mùa na chín hằng năm, quốc lộ 1 đoạn qua Đồng Bành tấp nập người bán mua thứ quả đặc sản này. Chợ na Đồng Bành bên quốc lộ là chợ bán riêng một loại trái cây đặc sản lớn nhất cả nước. Hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Tày, Nùng mặc áo chàm xanh, gánh na bằng 2 chiếc thúng tre đan óng chuốt bồ hóng từ sương mờ trên núi xuống đã trở thành hình ảnh đặc trưng của Lạng Sơn và đi vào thơ ca như một mã văn hóa riêng của vùng biên ải. Tỏa xuống từ các dãy núi cao chót mây sương phủ, hàng ngàn hộ gia đình hái na mang về chợ bán. Tiếng cót két ròng rọc tua hối hả từ trên núi lên xuống, người và quang gánh nối đuôi nhau. Không khí của mùa vụ bội thu ngọt ngào hơn cả quả cây và khách du lịch rất muốn trải nghiệm cảm giác này.

Vài năm gần đây, huyện Chi Lăng quy hoạch riêng một khu đất xây dựng chợ na Đồng Bành. Hiện nay, vùng trồng na của Lạng Sơn đã phát triển ra trên 3 ngàn ha, trong đó chủ yếu là diện tích na Chi Lăng với sản lượng trên 30 ngàn tấn mỗi năm. Xu hướng vùng trồng na càng rộng thì tiềm năng phát triển vùng du lịch càng lớn. Lúc đó, thành tố cơ bản để hoạt động du lịch nông nghiệp đã tồn tại, chỉ cần các địa phương thay đổi cơ cấu nhân lực và chú trọng tiêu chuẩn môi trường thì vùng nông nghiệp sẽ có cơ hội phát triển.

Khách du lịch cần cơ hội giải trí, bồi đắp kiến thức tự nhiên và trải nghiệm cuộc sống của nhà nông, trang trại, tìm hiểu văn hóa bản địa, vùng cây trồng lâu đời. Phát triển du lịch nông nghiệp cũng đồng thời giúp đa dạng hóa sản phẩm hỗn hợp, tăng cường giao tiếp, kéo dài mùa vụ nông nghiệp, tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu, tăng hiệu quả sản xuất nông vụ và xây dựng về mặt lâu dài một loại nông sản có xuất xứ, chỉ dẫn địa lý và quy trình sản xuất tiêu chuẩn sạch, có lợi cho cộng đồng.

Loại hình du lịch theo mùa vụ nông sản ở nước ta còn mới mẻ và chưa có nhiều thành tựu. Một số nơi đang hình thành vùng du lịch ngoài na Chi Lăng (Lạng Sơn) còn có nho Ninh Hải (Ninh Thuận), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), rau Trà Quế (Quảng Nam), mùa lúa chín Mù Cang Chải (Yên Bái)… kéo theo sự phát triển của du lịch cộng đồng, cảnh quan. Rất nhiều địa phương xác định phát triển theo hướng bền vững bằng nông nghiệp sạch, văn minh, thay đổi cơ cấu kinh tế.

Cùng với văn hóa bản địa đặc sắc, du lịch nông nghiệp đang tạo ra những vùng quê đổi mới, ở đó người dân chú trọng đến cuộc sống đẹp, sang trọng, giàu bản sắc văn hóa, thay thế dần cuộc sống cầm chừng, thất bát vật lộn với đói nghèo trước đây.

Thụy Văn

admin

Share
Published by
admin

Recent Posts

Nhân sâm là một trong những vị thuốc hồi phục sức khỏe

Chuyển hóa: Nhân sâm có tác dụng hạ đường huyết, có thể dùng phối hợp…

5 giờ ago

Giá măng cụt hôm nay bao nhiêu?

Măng cụt là loại trái cây rất ngon được nhiều người yêu thích. Hôm nay…

10 giờ ago

Cách gọi tên trong hoàng tộc

* Thời phong kiến, các thứ bậc trong hoàng tộc được gọi tên như thế…

16 giờ ago

Một mâm cỗ ngon gồm những món gì? – – Nấu Cỗ 29

Một mâm cỗ ngon gồm những món gì? Gia đình bạn sắp có tiệc đãi…

22 giờ ago

Nên ăn gì vào buổi sáng để có một ngày dài tràn đầy năng lượng?

Nên ăn gì vào buổi sáng để hỗ trợ tốt cho sức khỏe?Sau một đêm…

1 ngày ago

Một bát cơm bao nhiêu calo? Cách ăn cơm không béo

Rất nhiều người đã cắt giảm lượng cơm trắng trong khi thực hiện quá trình…

1 ngày ago