Chuyện về những “ông lớn” mì gói “làm mưa làm gió” trên thị trường nội địa

Nước ta hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì gói, mì ăn liền, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong thị trường giàu sức cạnh tranh đó, “ông lớn” sản xuất Miliket từng nắm 90% thị phần dần đánh mất vị thế, để chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của doanh nghiệp sở hữu Mì Hảo Hảo – Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, hay Masan Consumer với các dòng mỳ ăn liền như Omachi, Kokomi, Komi.

Chủ thương hiệu mì Hảo Hảo vẫn thống trị ngành mì gói

Đối với nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng, hay cụ thể hơn là thị trường mì gói, cuộc đua tìm kiếm chỗ đứng trên kệ bếp của người Việt vẫn đang diễn biến từng ngày. Có những thương hiệu dần trở nên quen thuộc, chiếm lĩnh thị phần cũng có những doanh nghiệp dần đánh mất đi bản sắc dù đã từng là “huyền thoại” trong ngành mì gói.

Sự phát triển, lớn mạnh nhanh nhất trong những năm gần đây có lẽ là những thương hiệu mì gói của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – MCH). Hiện doanh nghiệp này đang sở hữu các dòng mỳ ăn liền dần trở nên quen thuộc với người dân như Omachi, Kokomi, Komi… Có thể nói, chưa một nhãn hiệu mì gói nào lại được nhiều người nổi tiếng tham gia đóng quảng cáo như mì Omachi. Từ những năm 2011, mì Omachi xuất hiện trên truyền hình gắn liền với hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên. Sau đó hàng loạt những người nổi tiếng khác cũng được mời đóng quảng cáo để giúp Masan gây dựng hình ảnh và dần chiếm lĩnh thị trường trong 10 năm. Điều này đã mang lại cho Masan Consumer doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm.

Liên tục ra mắt sản phẩm mới, đầu tư cho quảng cáo giúp các sản phẩm của Masan Consumer nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Báo cáo thường niên năm 2020 cho thấy, doanh thu thuần của ngành hàng thực phẩm tiện lợi, trong đó có mỳ gói, đạt gần 6.900 tỷ đồng, tăng trưởng 38,5% so với năm 2019. Trong đó, doanh số mỳ Omachi tăng 32% so với năm 2019, chiếm lĩnh phân khúc cao cấp với 45% thị phần. Dòng mỳ ăn liền này cũng trở thành nhãn hiệu bán chạy nhất tại kênh siêu thị và mỳ tô bán chạy nhất cả nước. Ở phân khúc trung cấp, mỳ Kokomi cũng có mức tăng trưởng 43% so với cùng kỳ năm 2019 và hiện là nhãn hiệu mỳ bán chạy nhất miền Bắc.

Sang nửa đầu năm 2021, Masan Consumer ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế gần hơn 2.000 tỷ đồng, tăng gần 8%. Trong đó, các sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu có kết quả kinh doanh tăng trưởng đáng kể, đặc biệt các dòng sản phẩm mỳ gói hay snack khác được tiêu thụ mạnh giữa đại dịch.

Nói đến thị trường mì gói Việt Nam không thể không nhắc đến “ông lớn” sở hữu Mì Hảo Hảo – Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam (Vina Acecook). Gia nhập thị trường Việt từ đầu những năm 2000, mì Hảo Hảo của Vina Acecook đã nhanh chóng được người tiêu dùng ưa chuộng, trở thành sản phẩm quen thuộc nhất với người tiêu dùng ở khu vực thành thị và nông thôn. Những gói mì đầu tiên với mức giá chỉ 1.000 đồng, vị chua cay hay sa tế hành đã mở đầu cho giai đoạn hàng loạt thương hiệu mì ra đời tại Việt Nam.

Công bố trên website của mình, Acecook Việt Nam cho rằng “Acecook giờ đây đã được biết đến là một thương hiệu dẫn đầu ngành hàng mì ăn liền chiếm hơn 50% thị phần và mức độ bao phủ gần 100% thị trường.”

Theo số liệu thống kế từ Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cũng cho thấy, trước năm 2010, Acecook Việt Nam nắm hơn 50% thị phần mì theo giá trị. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp mới phát triển trong ngành này nhưng Acecook Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt về doanh thu và có được hiệu quả hoạt động cao. Acecook hiện đang xếp thứ 3 về lợi nhuận trong số các công ty thực phẩm của Việt Nam.

Trong năm 2020, doanh thu của Acecook Việt Nam đạt hơn 11.500 tỷ đồng, gấp rưỡi doanh thu nhóm ngành thực phẩm tiện lợi của Masan. Báo cáo hồi tháng 6 năm nay của Facts & Factors cũng chỉ ra, Acecook Việt Nam là một trong 11 nhà sản xuất mỳ gói lớn nhất khu vực châu Á.

Với sản phẩm mì Hảo Hảo, Acecook Việt Nam chiểm ưu thế tuyệt đối trên thị trướng khi nắm giữ 35,4% tổng sản lượng.

Theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, trên thị trường mì gói Việt Nam, 5 ông lớn đang dẫn đầu lần lượt là: Acecook Việt Nam, Masan Consumer, Uniben, Asia Foods, Vifon. Nhóm này chiếm hơn 88% về sản lượng và 84% doanh thu thị trường mì ăn liền trong 9 tháng đầu năm 2020.

Nếu tính riêng các thương hiệu, Acecook Việt Nam chiểm ưu thế tuyệt đối với doanh thu năm ngoái hơn 11.500 tỷ đồng. Giữ khoảng cách khá xa đối với các doanh nghiệp còn lại, hiện nắm giữ 35,4% về sản lượng và 36% về doanh thu. Xếp thứ hai, Masan như đã nói, có màn bức tốc mạnh mẽ năm ngoái đạt mức doanh thu gần 6.900 tỷ đồng. Ba cái tên còn lại gồm nhóm Asia Food (thương hiệu mì Gấu đỏ) doanh thu hơn 5.700 tỷ đồng, Uniben (Mì 3 Miền) doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng và Vifon hơn 3.100 tỷ đồng.

Miliket dần mất vị thế

Đã từng là một “huyền thoại” trong giới mì gói, từ những năm 90 của thế kỷ trước, mì ăn liền Miliket của Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket chiếm tới 90% thị phần. Nhưng thương hiệu mì được coi là của “Người Việt” lại dần đánh mất đi vị thế của mình.

Miliket là một trong 13 nhà máy đầu tiên được xây dựng để phát triển ngành công nghiệp nhẹ tại Việt Nam, tiền thân là hai xí nghiệp: Chế biến lương thực thực phẩm Colusa và Lương thực thực phẩm Miliket. Xí nghiệp chế biến Lương thực Thực phẩm Colusa thành lập năm 1972 với tên gọi Công ty sản xuất chế biến mì ăn liền Safoco Sài Gòn thực phẩm. Còn Xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Miliket thành lập năm 1995, sáp nhập từ 2 cửa hàng Lương thực Thủ Đức và Lương thực quận 5. Sau đó, hai doanh nghiệp này được sáp nhập vào tháng 4/2004, với tên gọi Xí nghiệp chế biến Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket để thực hiện cổ phần hóa.

Dù gần như chiếm lĩnh thị trường mì gói nhưng theo thời gian, thị trường ghi nhận sự vươn lên của nhiều tên tuổi mới như Acecook, Masan, Asia Foods…, thị phần của của Colusa – Miliket ngày càng thu hẹp. Quy mô sản lượng tiêu thụ, doanh thu của Công ty gần như không tăng trưởng trong 3 năm qua. Về thương hiệu, thị trường ít thấy những chiến dịch quảng cáo, truyền thông hình ảnh về thương hiệu “mì 2 con tôm” hay bất cứ đột biến của Colusa – Miliket.

Về sản phẩm, bên cạnh các sản phẩm mì gói giấy 2 con tôm truyền thống, theo giới thiệu của Colusa – Miliket còn nhiều sản phẩm như hủ tiếu, phở, cháo, mì tô, mì ly… nhưng từ góc nhìn của người tiêu dùng, những sản phẩm này còn ít được biết tới, chưa kể sự hạn chế về mẫu mã, hương vị… Điều này lý giải cho việc, trong năm 2020, tổng sản lượng bán ra của Colusa – Miliket đạt khoảng 18.500 tấn, đem về doanh thu chỉ 620 tỷ đồng và lãi trước thuế vỏn vẹn hơn 28 tỷ đồng. Con số này quá ít ỏi so với doanh thu và lợi nhuận của những công ty mới nổi như Masan hay Acecook Việt Nam, thị phần nắm giữ cũng không còn đáng kể.

Thương hiệu Miliket từng “vang bóng 1 thời” nay đã không còn được ưa dùng.

Về tình hình doanh nghiệp, dù hoạt động lâu đời nhất, tính đến cuối năm 2020, quy mô tài sản cố định hữu hình của Colusa – Miliket vỏn vẹn 15,96 tỷ đồng, giá trị khấu hao chiếm tới 85% nguyên giá. Trong 107 tỷ đồng nguyên giá tài sản cố định đến cuối năm 2020, giá trị tài sản đã khấu hao hết, nhưng vẫn còn sử dụng theo nguyên giá là 51,9 tỷ đồng.

Dòng tiền đầu tư tài sản cố định của Colusa – Miliket khá hạn chế với 2,2 tỷ đồng trong năm 2019 và 1,5 tỷ đồng trong năm 2020. Với những con số này, nhiều khả năng Công ty chỉ đầu tư thay thế các thiết bị cũ, chứ khó mở rộng được năng lực sản xuất.

Đinh Hiệu

admin

Share
Published by
admin

Recent Posts

Cách bảo quản khoai tây đã gọt vỏ cực đơn giản

Khoai tây là một loại thực phẩm phổ biến được chế biến thành nhiều món…

6 giờ ago

Cây Lá Đắng : Đặc điểm, công dụng và cách dùng hiệu quả

Thông tin chungTên tiếng Việt: Cây Lá đắng, Cây mật gấu, Hoàn liên ô rô,…

11 giờ ago

Nấm là gì? Nấm có phải là thực vật không? Tìm hiểu về nấm từ A-Z

Không hề ít người đến nay vẫn chưa hề biết về “nấm là gì”. Bởi…

17 giờ ago

Những loại quả chứa chất độc cần thận trọng khi ăn

Khi thưởng thức các loại quả này chớ dại nuốt hạt của chúng vào bụng…

23 giờ ago

Ăn Buffet là gì? Các loại hình buffet phổ biến thường gặpBuffet là gì?Thật ra…

1 ngày ago

Ăn mít có béo không? Có mập không? – không tăng cân

Theo bác sĩ Phạm Hồng Sơn (Chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, bệnh…

1 ngày ago