Cách nấu Giả cầy
Giả cầy từ lâu đã là món ăn rất đỗi quen thuộc với nhiều gia đình Việt. Đặc biệt là những ngày se se lạnh mà thưởng thức món giả cầy lợn từ chân giò thì tuyệt hảo. Bep360 sẽ hướng dẫn bạn cách nấu giả cầy ngon nhé.
Cách nấu giả cầy từ chân giò
Nguyên liệu nấu giả cầy
- 1kg Chân giò thui.
- 150g riềng giã nhỏ (gia vị nấu giả cầy quan trọng)
- 50g nghệ giã nhỏ
- 50g sả băm nhỏ
- 2 muỗng canh mắm tôm (gia vị nấu giả cầy quan trọng)
- 6 muỗng canh mẻ
- 1 muỗng canh rượu trắng
- 1 muỗng cà phê bột ngọt/mì chính
- 2 muỗng cà phê bột canh
- 2 muỗng cà phê hạt nêm
- 2 muỗng cà phê đường
- 1 muỗng cà phê nước mắm
- Hành lá- rau răm- rau ăn kèm
- 1 ký bún

Các bước nấu giả cầy
Bước 1: Sơ chế và Ướp gia vị
Chân giò thui mua sẵn ở chợ hoặc bạn có thể tự thui ở nhà bằng rơm hoặc thui trên bếp ga. Sau đó cạo sạch phần cháy rồi chặt thành những miếng vừa ăn.
Chân giò thui rơm sẽ thơm và lên màu đẹp khi món giả cầy hoàn thành
Cho chân giò, riềng, nghệ, mắm tôm, mẻ, rượu trắng, các gia vị vào thau, trộn đều. Ướp với chân giò ít nhất 1 giờ.

Bước 2: Nấu giả cầy
Khi chân giò đã ngấm gia vị, bạn cho nồi lên bếp cùng 1 chút dầu ăn và xào cho thịt săn lại. Sau đó cho 2 bát nước to.
Nấu giả cầy cho đến khi thịt thật nhừ, xương mềm và có mùi thơm đặc trưng của món ăn là được nhé. Bạn múc ra bát rồi cho thêm lá thơm tạo vị cho món ăn thêm phần hấp dẫn nhé.
Thành phẩm
Múc chân giò nấu giả cầy ra bát to, thêm húng và mùi tàu thái nhỏ lên trên. Một số vùng dùng rau ngổ để món ăn thêm hương thơm.

Món thịt chân giò nấu giả cầy ngon nhất khi ăn nóng và có thể ăn kèm với cơm hoặc bún đều rất ngon đó.
Cách nấu giả cầy Nghệ An
Đặc trưng của giả cầy Nghệ An là vị đậm đà và màu sắc đẹp. Cùng học cách nấu món giả cầy Nghệ An xem có khác gì món giả cầy ở các vùng miền khác không nhé!
Nguyên liệu
- 1kg thịt chân giò lợn ngon
- 100gr riềng củ tươi (Chọn loại bánh tẻ là được, không quá già và không quá non)
- 50gr củ sả tươi
- 50ml mật mía Nghệ An (nó tương đương tầm 1/2 bát thường dùng ăn cơm)
- 15ml nước mắm ngon (Nó tương đương tầm 3 thìa cơm)
- 1 thìa ăn cơm đầy đường cát nâu hoặc đường phèn từ nhiên giã nhỏ
- 1 thìa cơm mắm tôm ngon (Quê em gọi là ruốc hôi ạ ^^)
- 2 thìa cơm đầy mẻ (Mẻ này phải ngấu chua kỹ rồi nhé ạ)
Cách làm chân giò giả cầy Nghệ An
- Đầu tiên thịt chân giò cần được làm sạch sẽ, chân giò nên lấy nguyên chân to từ trên bẹn xuống cả móng giò. Nếu không thích…gặm xương thì mình có thể lọc bỏ xương đi. Sau đó đem nướng sơ thịt trên bếp lửa, tốt nhất là lửa than củi, nếu không có thì trực tiếp trên lửa bếp ga cũng được (thao tác này quê mình gọi là thui thịt ^^). Mục đích của công đoạn này là làm cho lớp da săn lại có màu vàng nâu, nên mọi người lưu ý nướng tập trung phần da nhé ạ. Sau khi nướng săn vàng da thì cạo bỏ những phần trót bị sém và đem thái miếng bao diêm vừa ăn.
- Riềng củ tươi thái lát mỏng hoặc thái chỉ tuỳ sở thích. Tuyệt nhiên không xay nhỏ ^^
- Sả thái mỏng và băm nhỏ một phần
- Đường nâu cho vào nồi chưng làm nước màu nâu đậm
- Cho tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị và sơ chế ở trên vào nồi và đảo đều cho ngấm. Ướp trong khoảng 45 phút đến 1 tiếng, trong quá trình đó đảo đều 2-3 lần.
- Sau khi ướp, cho lên bếp đun lửa lớn cho sôi, đảo đều tay cho thịt ra nước và ngấm gia vị, săn lại thì cho thêm nước sôi nóng xâm xấp mặt thịt và đun sôi nhỏ lửa
- Cứ thế đun liu riu cho đến khi thịt mềm sẽ cho ra thành phẩm như hình. Lúc này lớp da lợn sẽ chuyển màu trong như gân, mềm mà vẫn dai dẻo với vị thịt đậm đà vị mặn ngọt, thơm mùi của mắm, mật mía, riềng sả vửa đủ.

Phần nước có độ sệt do “collagen tự nhiên” trong da lợn tiết ra. Rất đưa cơm ^^
Lưu để có món giả cầy ngon
- Món giả cầy sẽ hấp dẫn hơn khi dùng thịt chân giò trước để nấu bởi phần thịt này chứa nhiều bắp và gân, mang lại độ chắc và hương vị ngọt tự nhiên cho món ăn.
- Khi ướp chân giò, hãy thêm một ít dầu ăn, điều này sẽ giúp giả cầy mềm hơn trong quá trình nấu.
- Khi nấu giả cầy, nên sử dụng nồi đất để hầm thay cho nồi kim loại. Trong trường hợp dùng nồi áp suất, không nên cho nước và hầm nhanh trong khoảng 15 phút để thịt không bị nát.
- Nếu không có đủ thời gian để nấu lâu, bạn có thể thêm một ít baking soda vào nồi và hầm khoảng 20 phút để thịt chín mềm.
Một số cách làm giả cầy ngon khác
Món giả cầy không chỉ được nấu với thịt heo mà còn có thể biến tấu bằng cách sử dụng các nguyên liệu chính khác như vịt, ngan, hay dê….. Dưới đây là một số cách nấu giả cầy bằng nhiều loại thịt khác nhau để bạn có thể tham khảo và thực hiện thành công
Thịt dúi nấu giả cầy
Món giả cầy dúi hấp dẫn với hương vị đặc trưng, thịt dúi ngọt mềm, lớp da giòn và thơm. Thịt dúi sau khi sơ chế, hãy thêm riềng, sả, một ít mắm tôm và bột ngọt để trộn đều và ướp cho thấm đều gia vị. Tiếp theo, đổ thịt dúi đã ướp vào nồi, nấu ở lửa nhỏ. Khi nước trong nồi thịt bắt đầu sôi, hãy cho thêm một chút rượu trắng và tiếp tục đun trong khoảng 30 phút nữa để hoàn thiện món ăn.
giả cầy ngỗng
Sau khi mua thịt ngỗng về, dùng muối để chà xát và sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước sạch để loại bỏ mùi hôi. Tiếp theo, bọc thịt vào giấy và thui cho đến khi lớp da có màu thơm vàng, rồi rửa sạch bụi than. Chặt thịt thành miếng vừa ăn, sau đó ướp với mắm tôm, mẻ, riềng, sả và các loại gia vị khác cho vừa khẩu vị.
Khi thịt đã ngấm gia vị, cho lên bếp xào cho đến khi thịt săn lại. Sau đó, đổ nước vào và đun sôi; trong quá trình nấu, hãy nhớ đậy nắp nồi để thịt chín nhanh hơn. Khi nước trong nồi cạn và bắt đầu sệt lại, hãy tắt bếp và món ngỗng giả cầy sẽ hoàn thành.
Có thể sử dụng các nguyên liệu tương tự thịt ngỗng để làm như thịt ngan nấu giả cầy, giả cầy vịt. Nếu dùng thịt gà nấu giả cầy cần dùng thịt gà ta hoặc thịt gà chọi để món giả cầy ngon nhất.
Xem thêm: Cách nấu giả cầy thịt vịt
nấu giả cầy dê
Chọn phần bụng, thủ và cổ kèm theo da của con dê. Cắt thịt thành những miếng vuông dày khoảng 2cm. Ướp thịt với muối, xì dầu, hạt tiêu, riềng, nghệ, sả, mẻ, mắm tôm, hạt mùi giã nhỏ và mỡ nước.
Đặt nồi lên bếp, cho vào một chút dầu ăn, phi thơm hành tỏi băm nhỏ sau đó cho thịt vào và đảo kỹ. Khi thịt săn lại, cho nước vào đến mức xâm xấp thịt. Đậy vung lại và đun với lửa vừa, thỉnh thoảng dùng đũa để đảo lên cho thịt chín đều. Đun khoảng 1 tiếng cho đến khi thịt mềm, nước cạn bớt và hơi sánh.
Múc thịt ra đĩa, rắc chút tiêu xay và lá chanh thái nhỏ lên trên. Món ăn thưởng thức ngon hơn khi kèm với các loại rau thơm.
Chúc các bạn học nấu ăn vui vẻ, nhớ thêm công thức nấu ăn này vào danh sách món ngon mỗi ngày của gia đình nhé!