Cách làm Mứt dừa thơm ngon, đơn giản đón Tết tại nhà
Mứt dừa non có nhiều loại: mứt thái sợi nhỏ, thái dài, thái ngắn, có loại mứt ăn nhạt, dẻo mềm thơm mùi dừa, có loại thì khô cứng, xác, ngọt lịm. Có sự khác nhau về độ ngon sở dĩ là do kỹ thuật sên, lựa cùi, lựa thớ thái, ướp đường, ướp màu củ quả… Vậy hãy vào bếp cùng Bếp 360 để khám phá công thức làm Mứt dừa truyền thống cực chuẩn tại nhà nhé!
Nguyên liệu làm Mứt dừa
- 1kg cùi dừa bánh tẻ dẻo
- 500gr đường (nếu cho ít hơn đường sẽ không kết tinh được)
- 60gr sữa đặc ông thọ
- Vani dạng bột 2 ống (hoặc vani extra)
- Một quả chanh
- Nguyên liệu tạo màu cho mứt: đậu biếc, bột hoa dành dành, bột củ dền, bột trà xanh, bột gấc,…
Cách làm Mứt dừa
Phần sơ chế
- Dừa mua về rửa sạch, lựa thái miếng dài tầm 10cm – 12cm, bản dày 1/2cm, dừa mỏng quá thì thái bản to vuông 1 chút, dừa dày cùi thì thái bản mảnh hơn. Cố gắng lựa cách thái sao cho miếng dừa thẳng ko bị quăn để khi sên ko bị gấp lại dễ bị ướt.
- Nấu nồi nước sôi cho dừa vào chần sơ, có thể vắt ít nước cốt chanh vào, đổ dừa ra rửa 3 – 4 nước cho sạch dầu dừa. Để ráo rồi ướp đường đảo đều để đó.
Phần sên dừa
Sên dừa lần 1:
- Sau khi tan đường, cho nồi dừa lên bếp (nếu cảm thấy lượng nước chưa đủ hãy cho thêm chút nước lọc vào).
- Đun dừa với lửa to bình thường, nhớ đảo ngay lúc đầu
- Sau khi dừa sôi 1 lúc thì tắt bếp, mở vung cho nguội rồi đậy lại bằng rổ thưa hay đậy vung mở hé ra.
- Để im nồi dừa như vậy ít nhất 2 -3h hoặc qua đêm nếu bạn làm buổi tối, đun dừa để nguội như vậy là dừa đã được đun chín, có thời gian ngậm đủ đường. Sau khi sên xong dừa rất mềm và hạn chế chảy nước.
Sên dừa lần 2:
- Sau khi dừa nghỉ đủ, chúng ta cho dừa lên bếp đun với lửa bình thường, thi thoảng đảo cho đỡ bén. Cảm thấy nước cạn dần
- Dừa mềm mềm thì hạ lửa vừa đủ để đun, lúc này đường có vẻ keo nên chú ý đảo nhiều hơn, khi nào đường keo sền sệt thì ta hãy cho màu củ quả thật đậm đặc vào. Cho đậm 1 chút để khi đường trắng bông ra màu đủ tươi là được.
- Đảo dừa lửa nhỏ cho đến khi mứt lên nhiều hạt đường lấm tấm, khô ráo hẳn nước thì nhấc ra ngoài đi găng tay bật quạt chĩa thẳng vào nồi dừa, cứ như vậy đảo xốc lên cho đường bông ra.
- Càng đảo đường càng bông hết ra ngoài, đến khi nào thấy đường bông ra hết, đường bột ko còn ẩm nữa thì cho mứt ra khay để nguội.
Phần pha màu
- Đậu biếc (xanh dương): đun sôi nước cho khoảng 15-20 bông vào đun lấy màu xanh, rồi ngâm với mứt dừa từ 2-3 tiếng.
- Bột hoa dành dành (màu vàng): pha với 50ml nước lọc, rồi dây qua cho sạch, cho vào mứt ngầm 2-3 tiếng.
- Bột củ dền (màu đỏ): cũng pha như hoa dành dành.
- Bột trà xanh (màu xanh lá cây): cho 2tsp vào mứt rồi trộn đều, cũng để 2-3 tiếng.
- Bột gấc (màu cam): pha với 50ml nước nóng rồi lọc qua rây, cho vào mứt ngâm như trên.
- Hoặc các bạn có thể cho màu tím của lá cẩm, màu nâu của bột ca cao nhé.
Chú ý: Không nên cho các loại mứt chua để tạo màu, ví dụ: atiso, chanh leo,… mứt sẽ không kết tinh được.
Nguyên nhân và cách khắc phục các lỗi khi sên mứt dừa
- Nên chọn dừa dẻo, hoặc bánh tẻ không nên chọn dừa già quá hoặc non quá
- Mứt không kết tinh được do thiếu đường: với tỉ lệ trên không được cho ít hơn.
- Để lửa quá to làm cho đường bị cháy, keo lại không kết tinh được nên khi sên để lửa thật nhỏ.
- Không nên sên mứt lâu quá sẽ làm khô mứt,khi ăn sẽ bị cứng.
- Nếu mứt không kết tinh được do thiếu đường thì mọi người đổ thêm đường vào sên tiếp.
- Nếu đường cứ keo lại,sên mãi không kết tinh thì mang đi rửa hết phần đường cũ,cho lại đúng tỉ lệ như trên và sên thật nhỏ lửa.
- Nhớ sên đến khi nặng tay đường hơi kết tinh thì nhấc chảo ra khỏi bếp đảo liên tục ở bên ngoài đến khi kết tinh hẳn chứ không đảo mứt kết tinh trên bếp còn lửa.
- Đổ mứt ra cái mâm đi bao tay sốc mứt lên trước quạt cho nguội hẳn dừng lại và tiếp tục hong trước quạt thêm 2-3h mới đóng túi.
- Nếu mứt chảy nước mà nhà có lò sấy thì sấy thêm ở 100 độ trong 10p.
- Nếu làm các công đoạn trên vẫn bị chảy nước thì cho dừa lên bếp để nhiệt độ nhỏ nhất sên thêm một lúc nữa,rồi lại đảo và hong trước quạt thêm vài giờ hãy đóng gói.
- Đường kết tinh mà bám vào mứt nhiều quá cũng sau cũng gây ra hiện tượng chảy nước nên làm xong các bạn đảo nhẹ nhàng cho đường rơi bớt ra.
Vậy là chỉ với các bước đơn giản, các bạn đã hoàn thành món mứt dừa truyền thống thơm ngon, ngọt ngào không thể thiếu trong dịp Tết rồi!